Lượt truy cập 5.805.332
Hội thảo khoa học “Công nghệ và vật liệu tiên tiến ứng dụng xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng”.
Hưởng ứng hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), hướng tới chào mừng 50 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm KHCNVN, ngày 18/11/2024 tại Hội trường 1705, tầng 17, Tòa nhà Ươm tạo công nghệ, số 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Học viện Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Novatech tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ và vật liệu tiên tiến ứng dụng xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng”.
Tham dự Hội thảo có: GS.TS. Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Đại Hưng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo; GS.TS. Dương Ngọc Hải - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; GS.TS. Phan Ngọc Minh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường; GS.TS. Trịnh Văn Tuyên - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường; PGS.TS. Đinh Văn Trung - Viện trưởng Viện Vật lý; PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Long Giang - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin; cùng các nhà khoa học, các thầy/cô giáo, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Học viện Khoa học và Công nghệ.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã nghe trình bày và đã trao đổi, thảo luận về 06 chủ đề khoa học công nghệ, gồm: Phát triển vật liệu nanocomposite chức năng: Công nghệ chế tạo quy mô pilot và ứng dụng thử nghiệm trong hệ thống thiết bị cảm biến thông minh và sản xuất công nghiệp; Mối nguy hại của vi nhựa và các giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa; Vật liệu từ mềm và ứng dụng cảm biến; Nghiên cứu và ứng dụng nam châm đất hiếm tại Viện Khoa học vật liệu; Nguy cơ đe dọa an ninh mạng và thách thức đối với hệ thống Internet vạn vật; Ứng dụng robot vận chuyển hàng hóa trong kho logistic
Hội thảo là cơ hội tốt cho nghiên cứu sinh và học viên cao học của Học viện Khoa học và Công nghệ được nghe và học hỏi những bài giảng chuyên sâu của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành. Đồng thời, Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các thầy/cô giáo trao đổi, thảo luận những kết quả mới, chuyên sâu trong nghiên cứu khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các giảng viên, học viên và các quý vị đại biểu đến tham dự Hội thảo. Nhân dịp Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11), GS.TS. Vũ Đình Lãm đã thay mặt Học viện Khoa học và Công nghệ gửi lời tri ân và chúc mừng tới các thầy giáo, cô giáo đã dành rất nhiều trí tuệ và tâm huyết, sát cánh cùng sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ của Học viện KHCN nói riêng và Viện Hàn lâm KHCNVN nói chung.
GS.TS. Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc
Với chủ đề của Hội thảo: “Công nghệ và vật liệu tiên tiến ứng dụng xử lý môi trường”, các báo cáo viên đã giới thiệu những thành tựu mới nhất các lĩnh vực nghiên cứu, cập nhật những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của mình theo các nội dung:
1. Báo cáo của GS.TS. Lê GS.TS. Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Phenikaa: Phát triển vật liệu nanocomposite chức năng: Công nghệ chế tạo quy mô pilot và ứng dụng thử nghiệm trong hệ thống thiết bị cảm biến thông minh và sản xuất công nghiệp. GS.TS. Lê Anh Tuấn chia sẻ: “Trong lĩnh vực vật liệu, chúng ta thường nghiên cứu chế tạo, khảo sát đặc tính và triển khai ứng dụng. Nhưng chúng tôi đã đặt tiếp cận ngược lại bằng câu hỏi thị trường vật liệu hiện nay đang phát triển như thế nào? Sử dụng báo cáo của một đơn vị đã khảo sát hơn 2500 công ty startup, thấy rõ, hiện nay với sự phát triển của ngành năng lượng, logistic, các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhu cầu vật liệu rất lớn”.
Dung tích thị trường toàn cầu của lĩnh vực vật liệu nano khoảng 13 tỷ USD trong năm 2022, dự kiến tăng 14%, đạt khoảng 28 tỷ USD vào năm 2028. Theo phân tích từ báo cáo, có 10 xu hướng phát triển của ngành công nghiệp vật liệu và đổi mới sáng tạo, bao gồm các lĩnh vực khác nhau, trong đó nhóm vật liệu liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững chiếm khoảng 15%, công nghệ nano khoảng 12 %, vật liệu siêu nhẹ chiếm khoảng 10%, vật liệu thông minh, vật liệu compozite, vật liệu graphene, 2D đều chiếm khoảng 10%, tin học vật liệu chiếm khoảng 10 %, quản lý vật liệu chiếm khoảng 4%.
Nhóm nghiên cứu của GS. Lê Anh Tuấn đã tập trung nghiên cứu phát triển vật liệu nano composite, thiết bị cảm biến thông minh dựa trên vật liệu nano và vật liệu nanocomposite tiên tiến cho đá thạch anh nhân tạo ngoài trời.
2. Báo cáo của PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ năng lượng và Môi trường: Mối nguy hại của vi nhựa và các giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa. PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh đã đưa ra những con số đáng quan tâm về rác thải nhựa trên thế giới. Tính đến nay, Trái đất đang phải hứng chịu 8.300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 9% tái sử dụng, 12% đốt, 79% trong bãi rác và trôi nổi trong môi trường. Dự báo, đến năm 2050, có khoảng 12.000 triệu tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc đưa vào môi trường tự nhiên.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), các quốc gia có rác thải nhựa không được xử lý, đổ ra môi trường nước lớn nhất, lần lượt là: Trung Quốc chiếm 8,8 triệu tấn/năm; Indonesia chiếm 3,2 triệu tấn/ năm; Philippines chiếm 1,9 triệu tấn/ năm… Có hơn 1,8 triệu tấn tác thải nhựa được thải, chỉ 27% trong số đó được tái chế, Việt Nam đứng thứ 4 trong thống kê của UNEP. Thực trạng này đang đặt ra cho các nhà khoa học những vấn đề nghiên cứu về công nghệ xử lý chất thải nhựa, cũng như những nghiên cứu cơ bản về vi nhựa.
3. Báo cáo của GS.TS. Nguyễn Huy Dân: Nghiên cứu và ứng dụng của nam châm đất hiếm tại Viện Khoa học vật liệu. Về hướng phát triển các loại vật liệu cho công nghệ tiết kiệm năng lượng, GS.TS. Nguyễn Huy Dân đã trình bày về phương pháp chế tạo vật liệu từ cứng, chứa đất hiếm có lực kháng từ cao, đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong mô tơ và máy phát điện. Tiềm năng ứng dụng của loại vật liệu này rất lớn trong ngành điện gió.
Bên cạnh những báo cáo về các hướng nghiên cứu khoa học vật liệu, môi trường và năng lượng, các nhà khoa học còn trình bày các kết quả ứng dụng trong y sinh, an ninh mạng và ứng dụng robot vận chuyển hàng hóa trong kho logistic.
Đó là các báo cáo:
Báo cáo của PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang, Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội: Vật liệu từ mềm và ứng dụng cảm biến.
Báo cáo của TS. Phạm Ngọc Minh, Viện Công nghệ thông tin: Nguy cơ đe dọa an ninh mạng và thách thức đối với hệ thống Internet vạn vật (IoT).
Báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện Cơ học: Ứng dụng robot vận chuyển hàng hóa trong kho logistics.
Theo đánh giá của GS.TS. Lê Anh Tuấn, nhìn từ góc độ phân tích khảo sát thị trường, lĩnh vực vật liệu công nghệ cao, ứng dụng cho ngành công nghiệp công nghệ cao 4.0 đang được nhiều công ty trên thế giới khởi nghiệp nghiên cứu, phát triển rất mạnh mẽ trong năm 2024. Việt Nam nên đi theo hướng này vì chúng ta có đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để nghiên cứu, phát triển, tất nhiên cần có thêm sự hỗ trợ, kiến tạo của Nhà nước và sự đồng hành của doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thông qua Hội thảo, các nhà khoa học và các chuyên gia đã chia sẻ thông tin, trao đổi tư vấn và thúc đẩy hợp tác để phát triển những sản phẩm nghiên cứu mang tính liên ngành. Hội thảo đã đưa ra những vấn đề hiện đại và có tính ứng dụng rất cao của khoa học công nghệ, đặc biệt là khi có nhiều Viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm đang tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong thực tế. Riêng về vật liệu tiên tiến ứng dụng trong lĩnh vực môi trường và năng lượng, có thể khẳng định là đây là thế mạnh của Viện Hàn lâm KHCNVN. Thông qua Hội thảo, các nhà khoa học có dịp tăng cường trao đổi, thảo luận những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực của mình, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các nhà khoa học và các nhà công nghiệp. Các cơ sở đào tạo như Học viện Khoa học và Công nghệ đang và sẽ được sự hỗ trợ tích cực từ định hướng nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ.
Các nhà khoa học trình bày tham luận tại Hội thảo
Phát biểu bế mạc, GS.TS. Vũ Đình Lãm một lần nữa, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, cảm ơn các quí vị đại biểu, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm KHCNVN, các giảng viên, học viên của Học viện Khoa học và Công nghệ đã dành thời gian cho Hội thảo này, đặc biệt cám ơn 6 báo cáo viên đã dành nhiều thời gian, công sức chuẩn bị cho báo tại Hội thảo này. Hội thảo được chuẩn bị công phu về nội dung, có 06 báo cáo xuất sắc từ lĩnh vực vật lý, hóa học, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, cơ học, công nghệ môi trường được trình bày và thảo luận. Các báo cáo nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng rất cao. Hội thảo là dịp để cho các nhà khoa học trình bày những kết quả đã thu lượm được từ các cuộc khảo sát và nghiên cứu, qua đó có những đề xuất có giá trị cho giai đoạn tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Nguồn: Phòng Tổ chức – Hành chính và Truyền thông
- Học viện Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024 và trao bằng Tiến sĩ đợt 2 năm 2024 (27/12/24)
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trường (19/11/24)
- Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Học viện Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Thông tin và Vô tuyến điện tử - Đại học Quốc gia Belarus (27/09/24)
- Giải quần vợt GUST OPEN 2024 thành công tốt đẹp (16/09/24)
- Lễ Trao bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ đợt 1 năm 2024 (28/06/24)
- Lễ Công bố và Trao Quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ (13/06/24)
- Lễ khai giảng lớp văn bằng 2 Khóa QH2024.F.2.E hệ vừa làm vừa học ngành ngôn ngữ Anh (07/05/24)